Chứng khoán châu Á và hợp đồng tương lai Mỹ giảm sau khi 'ông lớn công nghệ' Nvidia bị Mỹ hạn chế xuất khẩu chip

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Chứng khoán châu Á giảm nhẹ, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, sau khi Nvidia cho biết chính phủ Mỹ vừa áp đặt thêm lệnh hạn chế đối với một số dòng chip xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm hơn 1.4% trong phiên giao dịch sớm, còn hợp đồng tương lai S&P 500 mất 0.9%, sau khi cổ phiếu Nvidia lao dốc. Vàng – tài sản trú ẩn an toàn – đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong ngày thứ Tư. Trái phiếu giữ được đà tăng từ phiên trước, nhờ kỳ vọng về khả năng điều chỉnh quy định có thể giúp giảm chi phí giao dịch cho các ngân hàng, theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ. Đồng USD suy yếu nhẹ.
Giới đầu tư tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của các tin tức về thuế quan. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố mở cuộc điều tra về sự cần thiết của việc áp thuế đối với khoáng sản quan trọng – một động thái mới khiến thị trường càng thêm bất ổn. Những thay đổi liên tục trong chính sách thương mại từ Washington đã làm chao đảo thị trường toàn cầu trong tháng này, khiến nhà đầu tư khó xây dựng chiến lược dài hạn.
“Chúng tôi khuyên nhà đầu tư không nên đưa ra những giả định cứng nhắc về tác động cuối cùng của thuế quan đến nền kinh tế hay lợi nhuận doanh nghiệp,” ông Anthony Saglimbene (Ameriprise) nhận định. “Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho nhiều kịch bản trung hạn – từ tăng trưởng chậm đến khả quan, cho tới cả những tình huống tăng trưởng chậm hoặc tiêu cực.”
Vai trò của Nvidia trên thị trường toàn cầu là rất lớn
Trong phiên giao dịch sau giờ, cổ phiếu Nvidia giảm thêm hơn 5% sau khi công ty thông báo chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với dòng chip H20 sang Trung Quốc – một bước đi leo thang mà Nvidia từng công khai phản đối. Hãng dự kiến sẽ ghi nhận khoảng 5.5 tỷ USD chi phí trong quý tài chính đầu tiên, liên quan đến hàng tồn kho, cam kết mua và trích lập dự phòng gắn với dòng chip này.
Cùng lúc đó, Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục gặp khó trong việc thu hẹp bất đồng thương mại. Nhà Trắng cho biết phần lớn thuế quan mà Mỹ đã áp lên hàng hóa EU sẽ không được dỡ bỏ.
Tổng thống Trump cũng kêu gọi Trung Quốc “liên hệ với ông” để khởi động lại đàm phán, sau khi Bắc Kinh yêu cầu các hãng hàng không nước này ngừng tiếp nhận máy bay mới từ Boeing. Theo Wall Street Journal, chính quyền Trump có thể dùng đàm phán thuế quan như một công cụ gây áp lực buộc các đối tác thương mại Mỹ hạn chế quan hệ với Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc cũng gặp áp lực trước dữ liệu kinh tế mới
Chứng khoán Trung Quốc cũng trở nên 'dễ tổn thương' hơn trước loạt dữ liệu kinh tế sắp công bố, vốn được dự báo sẽ làm dấy lên thêm lo ngại về đà phục hồi không đồng đều. Chỉ số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm phiên đầu tiên sau ba ngày tăng liên tiếp.
Tăng trưởng GDP quý I dự kiến sẽ cho thấy đà giảm tốc, ngay cả khi tác động đầy đủ của các biện pháp thuế quan vẫn chưa phản ánh hết. Doanh số bán lẻ được dự báo sẽ cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn yếu.
“Dữ liệu tăng trưởng từ Trung Quốc – được công bố giữa phiên – có thể quyết định xu hướng thị trường trong ngày,” theo ông Michael McCarthy (Moomoo, Sydney). “Rủi ro hiện tại nghiêng về một chiều: nếu số liệu kém sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo, trong khi ngay cả khi tăng trưởng vượt kỳ vọng, thị trường vẫn có thể bỏ qua vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.”
Tâm lý nhà đầu tư toàn cầu xấu đi vì bất ổn thương mại và biến động tài chính
Tình trạng bất định trong chính sách thương mại Mỹ, cộng với biến động gia tăng trên thị trường tài chính, đã khiến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu trở nên bất an trong vài tuần qua. Một khảo sát của Bank of America cho thấy, nhà quản lý quỹ đang có cái nhìn tiêu cực nhất về triển vọng kinh tế trong suốt ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức bi quan này chưa phản ánh hết trong cơ cấu danh mục đầu tư – điều có thể báo hiệu rủi ro giảm thêm cho chứng khoán Mỹ.
“Nhà đầu tư đang cực kỳ bi quan về kinh tế vĩ mô, nhưng chưa bi quan đến cùng với thị trường,” nhóm chiến lược gia do ông Michael Hartnett đứng đầu viết trong một báo cáo. “Mức độ ‘sợ hãi tột độ’ hiện chưa thể hiện rõ trong tỷ trọng tiền mặt nắm giữ.
Giới đầu tư cũng đang hướng sự chú ý đến bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về tình hình kinh tế, dự kiến diễn ra vào cuối ngày thứ Tư.
Thị trường hàng hóa: Vàng lập đỉnh, dầu đi ngang
Giá dầu thô ổn định sau đà giảm nhẹ trong phiên trước, trong khi giá vàng tiếp tục tăng mạnh.
Diễn biến chính trên thị trường (cập nhật lúc 9:24 sáng theo giờ Tokyo):
Chứng khoán:
-
HĐTL S&P 500: giảm 0.9%
-
HĐTL Hang Seng: giảm 0.1%
-
Chỉ số Topix (Nhật): gần như đi ngang
-
Chỉ số S&P/ASX 200 (Úc): đi ngang
-
HĐTL Euro Stoxx 50: tăng 1.4%
Tiền tệ:
-
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot: giảm 0.2%
-
Euro: tăng 0.3%, lên 1.1312 USD
-
Yên Nhật: tăng 0.2%, lên 142.88 USD/JPY
-
Nhân dân tệ (offshore): gần như không đổi, 7.3224 USD/CNY
Tiền mã hóa:
-
Bitcoin: giảm 0.7%, còn 83,464.49 USD
-
Ether: giảm 0.4%, còn 1,587.97 USD
Trái phiếu:
-
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm: giảm 1 điểm cơ bản, còn 4.32%
-
Lợi suất trái phiếu Úc kỳ hạn 10 năm: giảm 2 điểm cơ bản, còn 4.33%
Hàng hóa:
-
Dầu WTI: tăng 0.2%, lên 61.44 USD/thùng
-
Vàng giao ngay: tăng 0.9%, lên 3,259.86 USD/ounce
Bloomberg