Chiến tranh thương mại hay màn cân não?

Chiến tranh thương mại hay màn cân não?

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

10:27 05/02/2025

Chính sách thuế quan của Mỹ với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn đang gây biến động mạnh trên thị trường. Trong khi chính quyền Trump kỳ vọng hỗ trợ ngành sản xuất nội địa, trước mắt, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu áp lực chi phí gia tăng.

Vẫn có tin tốt cho thị trường, nếu chịu khó tìm kiếm. Vanguard, công ty quản lý quỹ thuộc sở hữu nhà đầu tư, không chỉ giảm phí cho các quỹ chỉ số thụ động mà còn cắt giảm phí cho quỹ trái phiếu chủ động. Cổ phiếu của nhiều công ty quản lý quỹ khác lao dốc sau tin này. Cạnh tranh về chi phí là tín hiệu đáng mừng, và hy vọng xu hướng này sẽ lan rộng đến những lĩnh vực tài chính vốn chịu phí cao như tài sản tư nhân, ngân hàng đầu tư và mạng lưới thẻ thanh toán.

Bất ổn giá cả: Những câu hỏi chưa có lời giải

Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng, hãy tự đánh giá trên thang điểm 1-5, trong đó 5 là "rất đồng ý," 1 là "rất không đồng ý" và 3 là "trung lập":

  • Liệu các cuộc đàm phán trong một tháng tạm hoãn thuế với Canada và Mexico có giúp thuế suất giảm đáng kể dưới mức 25%?
  • Liệu châu Âu có thể giành được một khoảng miễn thuế tương tự?
  • Quyết định hoãn thuế đối với Canada và Mexico có phải là một phần trong kế hoạch từ trước, hay chỉ là quyết định đột ngột của Tổng thống Trump?
  • Liệu phản ứng tiêu cực của thị trường đối với thông báo thuế ban đầu có khiến chính quyền Mỹ mềm mỏng hơn, nhất là khi thị trường hồi phục sau tin hoãn thuế?
  • Liệu có bất kỳ nhượng bộ nào từ các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đủ để Trump chấp nhận giảm thuế, chẳng hạn xuống dưới 5%?

Unhedged cho rằng câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường trong ngắn và trung hạn. Chúng tôi chấm điểm "3" cho tất cả khi hoàn toàn không chắc chắn về bất cứ điều gì. Nếu ai đó tự tin hơn, chắc hẳn họ đang dùng một loại "thuốc thần kỳ" nào đó. Hiện tại, tất cả những gì có thể làm là theo dõi phản ứng thị trường và cố gắng nắm bắt xu hướng chung.

Thị trường Mỹ phản ứng thế nào?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có dấu hiệu phẳng hơn: Lợi suất trái phiếu ngắn hạn (3 tháng và 2 năm) tăng nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn (10 năm và 30 năm) giảm nhẹ. Điều này có thể hiểu là thị trường đang điều chỉnh kỳ vọng lạm phát tăng cao nhưng tăng trưởng giảm tốc. Việc lợi suất trái phiếu chính phủ chống lạm phát giảm mạnh hơn so với lợi suất danh nghĩa càng củng cố nhận định này. Tuy nhiên, biến động vẫn khá nhỏ trong một phiên giao dịch.

Chỉ số S&P 500 giảm chưa đến 1%, trong khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhóm từng hưởng lợi lớn từ chính sách thương mại của Trump đã giảm 1.3%.

Khả năng thuế quan cao hơn đã đẩy đồng USD tăng giá, gây áp lực lên các tập đoàn công nghệ lớn khi nguồn thu từ nước ngoài bị thu hẹp khi quy đổi sang USD.

Các doanh nghiệp tập trung vào kinh tế nội địa, đặc biệt là lĩnh vực vận tải (Norfolk Southern, JB Hunt, Union Pacific, FedEx và UPS), chịu áp lực đáng kể. Điều này phản ánh lo ngại rằng thuế quan có thể gây tổn hại đến các công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ hơn là toàn cầu.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu phòng thủ trong nước như y tế, Walmart, Costco, Kroger và Waste Management lại tăng 1-2%.

Các công ty năng lượng nội địa, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu như Valero và Marathon hay các công ty đường ống như Targa và Williams, cũng có phiên giao dịch tích cực nhờ giá năng lượng tại Mỹ tăng.

Những cổ phiếu được dự báo chịu tác động mạnh nhất từ thuế quan bao gồm các hãng xe hơi và công ty xây dựng nhà ở đã giảm 2-3%. Dù mức thuế cụ thể vẫn chưa rõ ràng, thị trường dường như đã bắt đầu định giá trước kịch bản thuế suất cao hơn.

Giá vàng tăng mạnh, nhưng nguyên nhân là gì? Lợi suất thực giảm? Ngân hàng trung ương Trung Quốc mua vào? Tâm lý trú ẩn an toàn? Hay đơn giản chỉ là… một sự kiện ngẫu nhiên như trong truyện cổ tích?

Thị trường chao đảo trước rủi ro thuế quan

Những biến động trên thị trường đang phản ánh một tâm lý phòng thủ, dù chưa thực sự mạnh mẽ. Cổ phiếu vẫn ở mức cao và các biến động hôm qua không quá lớn, cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng hơn là hoảng loạn. Có thể thị trường lo ngại khả năng thuế quan tăng cao, ngay cả khi Mexico và Canada tạm thời được hoãn. Hoặc cũng có thể thị trường đơn giản không hiểu rõ chính sách kinh tế của Mỹ đang đi theo hướng nào và điều đó càng khiến bất ổn gia tăng. Giữa hai cách lý giải này, Unhedged giữ lập trường trung lập.

Mỹ leo thang thuế quan với Trung Quốc

Dù thuế quan với Mexico và Canada thu hút sự chú ý, một diễn biến quan trọng khác là Trump đã áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây không chỉ là một động thái mang tính đối phó mà còn báo hiệu căng thẳng thương mại có thể leo thang hơn nữa.

Trung Quốc từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ về thuế quan. Trump khởi xướng các biện pháp này trong nhiệm kỳ đầu, và Biden duy trì chính sách đó. Theo George Magnus từ Oxford China Centre, mức thuế mới nâng tổng thuế suất thực tế lên khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với lời hứa 60% mà Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Xét theo khía cạnh này, Trung Quốc có vẻ đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, mức thuế mới vẫn gây áp lực lên nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ các biện pháp trừng phạt tiếp theo.

Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ máy móc công nghiệp, thiết bị gia dụng đến hàng tiêu dùng giá rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng. Cổ phiếu của các công ty như Whirlpool, Apple, các nhà bán lẻ giá rẻ như Dollar Tree và tập đoàn công nghiệp như Caterpillar đều giảm trong phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, khó có thể xác định chính xác mức độ tác động từ chi phí đầu vào tăng hay ảnh hưởng gián tiếp từ đồng USD mạnh lên.

Trung Quốc đối diện nguy cơ suy yếu

Về phía Trung Quốc, nền kinh tế nước này cũng sẽ chịu áp lực lớn. Dù đạt mục tiêu tăng trưởng vào cuối năm ngoái nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, ngành sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số PMI sản xuất tháng 1 thấp hơn dự báo, cho thấy lĩnh vực này đang tiệm cận suy giảm.

Ben Uglow từ Oxcap Analytics nhận định rằng các đợt áp thuế mới, cùng nguy cơ Mỹ tiếp tục tăng thuế, sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tâm lý doanh nghiệp. Điều này cũng gây khó khăn cho chính phủ Trung Quốc trong việc kích thích tiêu dùng và duy trì niềm tin của thị trường. Một giải pháp có thể là để nhân dân tệ mất giá, nhưng động thái này có thể kéo theo sự trả đũa từ Mỹ.

Áp lực lên Trung Quốc cũng có thể tạo ra hiệu ứng ngược đối với nền kinh tế Mỹ. Khi phần lớn thế giới đang vật lộn với lạm phát, Trung Quốc lại đối mặt với nguy cơ giảm phát. Trong những năm gần đây, giá cả ở Trung Quốc tăng chậm hơn nhiều so với Mỹ và phương Tây, thậm chí có thời điểm rơi vào giảm phát. Điều này có thể tác động sâu rộng đến thương mại toàn cầu, làm gia tăng bất ổn trên các thị trường tài chính.

Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đã “xuất khẩu giảm phát” hoặc ít nhất là góp phần kiềm chế lạm phát bằng cách bán hàng hóa với giá thấp hơn mức tăng giá tại phương Tây. Nếu điều này đúng, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với lạm phát cao hơn khi giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Đồng thời, chi phí sản xuất trong nước cũng sẽ bị đẩy lên khi các doanh nghiệp Mỹ phải trả nhiều hơn cho máy móc và thiết bị từ Trung Quốc.

Chính quyền Trump tin rằng tác động tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ sẽ được bù đắp bằng lợi ích dành cho ngành sản xuất trong nước. Điều đó có thể xảy ra, nhưng trước mắt, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Financial Times

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Mở cửa thị trường châu Á: Các nhà giao dịch có xu hướng đặt cược vào một biến thể của chiến lược "TACO"

Mở cửa thị trường châu Á: Các nhà giao dịch có xu hướng đặt cược vào một biến thể của chiến lược "TACO"

Tuần này, thị trường toàn cầu di chuyển như đoàn xe không kính chẳng có đèn pha, và mỗi nhà giao dịch đều hy vọng xe dẫn đầu không lao xuống vực. Với thời hạn áp thuế ngày 9/7 đang tới gần, thị trường hiện giờ đang theo dõi Washington sát sao nhằm tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự leo thang hoặc thoái lui. Con đường phía trước vẫn mơ hồ, nhưng địa hình thì đầy chông gai.
Von der Leyen giữa làn đạn thương mại Mỹ–Trung: EU tìm chỗ đứng trong cuộc chơi siêu cường

Von der Leyen giữa làn đạn thương mại Mỹ–Trung: EU tìm chỗ đứng trong cuộc chơi siêu cường

Giữa áp lực từ cả Washington lẫn Bắc Kinh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nỗ lực định vị EU như một đối tác thương mại chiến lược. Dù không nắm nhiều đòn bẩy, Brussels vẫn có cơ hội tận dụng vị thế trung gian để tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm thiểu thiệt hại từ cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.
Trung Quốc siết chặt dòng chảy nhân tài: Mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu

Trung Quốc siết chặt dòng chảy nhân tài: Mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu

Việc Foxconn triệu hồi hàng trăm kỹ sư Trung Quốc từ các nhà máy iPhone ở Ấn Độ cho thấy Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát nhân tài công nghệ giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Trong khi các công ty phương Tây chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, cuộc cạnh tranh toàn cầu giờ đây không chỉ là về hàng hóa, mà còn là về con người và trí tuệ.
Lãi suất có thực sự quá cao?

Lãi suất có thực sự quá cao?

Nhiều người tin là có, và ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nên sớm hạ lãi suất. Nhưng họ có đúng không? Liệu ngân hàng trung ương có nên can thiệp, giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ? Câu trả lời trung thực là: không ai có thể chắc chắn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ lịch sử, lãi suất hiện tại vẫn ở mức tương đối thấp, và chính sách tiền tệ vẫn chưa thực sự bị siết chặt.
Chứng khoán Mỹ ăn mừng ngày độc lập với NFP vượt dự báo, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi

Chứng khoán Mỹ ăn mừng ngày độc lập với NFP vượt dự báo, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi

Phố Wall kết thúc tuần lễ ngắn với kỷ lục mới trên S&P và Nasdaq, dù kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất đang nguội dần sau báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến. Thị trường vẫn lạc quan khi tăng trưởng ở mức "vừa đủ" để duy trì kỳ vọng mà không gây hoảng loạn, trong khi thanh khoản tiếp tục nâng đỡ đà tăng bất chấp rủi ro vĩ mô tiềm ẩn.
Thị trường tiền tệ thận trọng trước báo cáo việc làm Mỹ và thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam

Thị trường tiền tệ thận trọng trước báo cáo việc làm Mỹ và thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam

Đồng USD dao động trong bối cảnh giới đầu tư chờ báo cáo việc làm Mỹ tháng 6 và đánh giá tác động từ thỏa thuận thương mại với Việt Nam, diễn ra trước hạn chót thuế quan ngày 9/7. Đồng bảng Anh và euro biến động nhẹ, trong khi kỳ vọng về chính sách lãi suất của Fed tiếp tục điều chỉnh theo dữ liệu kinh tế mới nhất.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ