Cập nhật thị trường đầu ngày: Chứng khoán châu Á phục hồi nhờ sự lạc quan về công nghệ
Cổ phiếu châu Á xóa bỏ mức giảm ban đầu khi cổ phiếu công nghệ tại Hồng Kông tăng mạnh nhờ sự lạc quan về việc nối lại một số lô hàng chip cụ thể cho Trung Quốc.

Chỉ số MSCI Asia Pacific không đổi, phục hồi từ khoản lỗ lên tới 0.4%, được hỗ trợ bởi mức tăng 1% của cổ phiếu công nghệ tại Hồng Kông. Vào thứ Ba, một chỉ số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Tư khi cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhờ tin tức Nvidia Corp. và Advanced Micro Devices Inc. sẽ nối lại việc bán một số chip cho Trung Quốc.
Cổ phiếu châu Á giảm ngay khi mở cửa vào thứ Tư khi các nhà giao dịch giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ cho thấy các công ty bắt đầu chuyển một số chi phí liên quan đến thuế quan sang người tiêu dùng. Hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq 100 giảm. Trái phiếu kho bạc ổn định trong giao dịch đầu giờ châu Á sau khi lợi suất trái phiếu 30 năm vượt mốc 5% trong phiên trước đó. Vàng tăng 0.2% nhờ nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn.
Các nhà giao dịch đang giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn một lần trong năm nay, và xác suất Fed hành động vào tháng Chín hiện chỉ được định giá cao hơn 50% một chút. Chủ tịch Fed Dallas, Lorie Logan, cho biết mặc dù các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cần giữ nguyên lãi suất trong thời gian dài hơn để giảm hoàn toàn lạm phát, nhưng cũng có khả năng họ sẽ phải chuyển sang cắt giảm lãi suất nếu lạm phát và thị trường lao động suy yếu. Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Sáu, cao hơn dự kiến.
“Chúng tôi mong đợi Fed sẽ duy trì trạng thái chờ đợi cho đến khi có thêm dữ liệu về tác động của thuế quan đối với triển vọng lạm phát và thị trường lao động,” các chiến lược gia của JPMorgan cho biét. Các nhà phân tích dự báo lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Mười Hai.
Về thương mại, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã đạt được thỏa thuận với Indonesia, theo đó hàng hóa từ quốc gia này sẽ chịu mức thuế 19%, trong khi xuất khẩu của Mỹ sẽ không bị đánh thuế. Trump cũng nói rằng ông có khả năng sẽ áp thuế đối với dược phẩm ngay cuối tháng này và thuế đối với chất bán dẫn cũng có thể sớm được áp dụng, cho thấy các loại thuế nhập khẩu này có thể được áp dụng cùng với các mức thuế “tương ứng” rộng rãi dự kiến được triển khai vào ngày 1 tháng Tám.
Tổng thống cũng dự đoán rằng ông có thể đạt được “hai hoặc ba” thỏa thuận thương mại với các quốc gia trước khi triển khai các mức thuế đối ứng trước ngày 1 tháng Tám, cho biết thỏa thuận với Ấn Độ có khả năng được "chốt" cao nhất.
Trong khi đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào thứ Ba đã mở một cuộc điều tra về Brazil liên quan đến các hoạt động thương mại của nước này. Trump đã đe dọa áp thuế 50% lên quốc gia này.
Chỉ số giá tiêu dùng, không tính các hạng mục thường biến động như thực phẩm và năng lượng, tăng 0.2% so với tháng Năm. Mặc dù sự giảm giá xe hơi đã giúp kiềm chế con số này, các hạng mục hàng hóa chịu ảnh hưởng từ thuế của Trump như đồ chơi và thiết bị gia dụng đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm.
“Mặc dù bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào do thuế quan gây ra có thể sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn, với việc các mức thuế cao hơn được công bố, sẽ là khôn ngoan nếu Fed vẫn đứng ngoài cuộc trong vài tháng tới,” Seema Shah tại Principal Asset Management cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã gợi ý rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell nên từ chức khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng Năm năm 2026. Tối thứ Ba, Trump cho biết Bessent là “một lựa chọn” cho vị trí Chủ tịch Fed.
Các nhà giao dịch trong tháng này đã giảm kỳ vọng về việc Fed nới lỏng chính sách. Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của tháng Sáu được công bố vào ngày 3 tháng Bảy đã khiến họ loại bỏ khả năng cắt giảm lãi suất sau cuộc họp tiếp theo kết thúc vào ngày 30 tháng Bảy và hạ thấp cơ hội cắt giảm vào tháng Chín.
Bloomberg