Các ngân hàng Mỹ vẫn 'vững vàng' trước nguy cơ suy thoái kinh tế

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Trong khi thị trường tài chính đang biến động vì những thay đổi khó lường từ chính sách thuế quan mới, có một ngành tưởng chừng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng lại đang vững vàng – đó là các ngân hàng Mỹ. Điều này không phải vì họ đã chuẩn bị trước để đối phó, mà phần lớn là nhờ những điều chỉnh tình cờ nhưng đúng hướng trong vài năm gần đây.

Trong hai năm qua, các ngân hàng Mỹ đã có thời gian để củng cố tài chính, sau cú sốc hồi đầu năm 2023 khiến một số ngân hàng lớn như Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ. Mặc dù nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn hiện hữu, các ngân hàng hiện nay đang ở vị thế tốt hơn để đối phó.
Lý do chính là vì khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 để chống lạm phát, nhiều ngân hàng bị lỗ nặng do đang nắm giữ các khoản đầu tư lợi suất thấp từ trước đó. Khi các nhà đầu tư nhận thấy điều này, họ rút tiền khỏi ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư sinh lời cao hơn, khiến thanh khoản cạn kiệt.
Tuy nhiên, lần khủng hoảng đó khác với năm 2008. Các ngân hàng hiện không bị "ngập nợ" như trước, mà chủ yếu bị "kẹt vốn" do lãi suất thay đổi. Và thay vì cần cứu trợ, họ chọn cách chờ đợi – để những khoản đầu tư cũ dần đáo hạn, rồi dùng tiền tái đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn. Ví dụ, ngân hàng PNC dự kiến sẽ giảm được 1.7 tỷ USD lỗ chưa thực hiện khi 24% danh mục đầu tư đáo hạn trước năm 2026.
Thanh khoản của các ngân hàng đã tăng vọt kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính
Để tăng sức đề kháng tài chính, nhiều ngân hàng đã siết chặt việc cho vay, tức là xét duyệt kỹ hơn trước khi cấp tín dụng. Mặc dù điều này khiến người dân và doanh nghiệp khó vay vốn hơn, nó giúp ngân hàng hạn chế rủi ro nợ xấu. Thực tế, các khoản vay trong năm 2023 được đánh giá là an toàn và hiệu quả hơn so với năm trước, và xu hướng này tiếp tục trong năm 2024.
Trong năm 2022 và 2023, các ngân hàng rất dè dặt trong việc cho vay
Nhờ đã "lành mạnh hóa" tài chính, các ngân hàng bước vào năm 2025 với tâm thế chủ động hơn. Nhiều ngân hàng đang tranh thủ mua lại cổ phiếu – một cách thể hiện họ tự tin vào sức mạnh tài chính hiện tại. Ví dụ, JPMorgan xem việc thị trường suy giảm là cơ hội để mua lại cổ phiếu với giá tốt.
Dù lãi suất sắp tới tăng hay giảm, ngân hàng vẫn có thể hưởng lợi. Nếu lãi suất dài hạn duy trì ở mức cao, ngân hàng sẽ có cơ hội tái đầu tư vào các khoản sinh lời cao. Còn nếu lãi suất ngắn hạn giảm nhanh hơn, họ sẽ tiết kiệm chi phí vốn và tăng chênh lệch lợi nhuận giữa cho vay – huy động, tức là thu nhiều hơn, chi ít hơn.
Nếu xu hướng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc về Mỹ diễn ra, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội mở rộng cho vay – từ vốn lưu động cho doanh nghiệp sản xuất đến tài trợ xây dựng nhà máy mới.
Tóm lại, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn, các ngân hàng Mỹ hiện nay đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước. Họ đủ khả năng đứng vững, chờ thời điểm thuận lợi để tăng trưởng trở lại. Và đó chính là điều khác biệt trong giai đoạn này.
Bloomberg