Bóng ma risk-off “ẩn mình” trước giờ G thuế quan, trọng tâm chuyển sang CPI Eurozone và PMI sản xuất ISM của Mỹ

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Sơ lược bối cảnh thị trường hiện tại
Đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu dường như đã qua đỉnh điểm – ít nhất là cho đến hiện tại. Sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm do lo ngại về việc Mỹ sắp công bố các biện pháp thuế quan đối ứng vào ngày 02/04, giới đầu tư đã thận trọng chuyển sang trạng thái chờ đợi và quan sát. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã phần nào hồi phục lại mức giảm trước đó trong phiên giao dịch đêm qua, và thị trường Châu Á cũng khởi động phiên giao dịch hôm nay với những sắc xanh nhẹ.
Mặt khác, thị trường tiền tệ vẫn dao động với biên độ hẹp trong phiên Á. Tuy bề ngoài có vẻ bình lặng, nhưng tâm lý e ngại rủi ro (risk-off) vẫn hiện hữu rõ nét qua diễn biến của các đồng tiền. NZD, AUD và CAD vẫn là những đồng tiền có hiệu suất kém nhất kể từ đầu tuần. Ngược lại, JPY và USD đang dẫn đầu đà tăng, theo sau là EUR. GBP và CHF hiện giữ vị trí trung lập.
Sang phiên Âu, trọng tâm chính trong hôm nay sẽ là dữ liệu CPI sơ bộ của Eurozone. Các báo cáo gần đây cho thấy một số quan chức của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang cân nhắc việc tạm dừng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào ngày 17/04. Xác suất hiện tại cho việc ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 bps là khoảng 65%. Dù vậy, trong khi phe "ôn hòa" vẫn ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, nhiều người dường như sẵn sàng bỏ qua một cuộc họp nếu phe "diều hâu" kiên quyết muốn có thêm thời gian để đánh giá những rủi ro hiện hữu. Nếu dữ liệu lạm phát hôm nay cho thấy mức tăng nóng hơn dự kiến, điều đó sẽ củng cố lập trường của phe diều hâu và đẩy cao khả năng ECB giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp sắp tới.
Kế đó, chỉ số PMI sản xuất ISM của Mỹ cũng sẽ là một điểm đáng chú ý. Sau hai tháng trở lại vùng mở rộng, chỉ số này được dự báo sẽ quay về vùng suy thoái. Ngoài kết quả chung, thành phần giá cả sẽ được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt trong bối cảnh các mức thuế quan mới sắp sửa được áp dụng. Chỉ số giá đã tăng từ khoảng 50 lên trên 60 trong năm nay, và nếu xu hướng này tiếp diễn, điều đó có thể báo hiệu áp lực lạm phát đang quay trở lại từ phía cung.
Một số tin tức đáng chú ý gần đây
RBA giữ nguyên lãi suất, lạm phát hạ nhiệt như dự kiến, nhưng triển vọng vẫn mờ mịt
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4.10% trong hôm nay, phù hợp với kỳ vọng chung của thị trường. Mặc dù tỏ ra lạc quan trước việc lạm phát cơ bản tiếp tục giảm, ngân hàng trung ương này vẫn duy trì lập trường thận trọng do "rủi ro tồn tại ở cả hai phía".
Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt đúng như dự báo, nhưng RBA một lần nữa nhấn mạnh rằng họ cần thêm bằng chứng để chắc chắn rằng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì ổn định và hướng về mức trung bình 2-3% của khoảng mục tiêu.
RBA cũng nêu bật "những bất ổn đáng kể" xoay quanh tình hình tiêu dùng trong nước và biến động của thị trường lao động. Xét trên bình diện quốc tế, RBA bày tỏ niềm quan ngại về chính sách thuế quan leo thang của Mỹ, đồng thời lưu ý rằng những diễn biến này đã và đang ảnh hưởng đến niềm tin toàn cầu.
Nguy cơ leo thang thuế quan hoặc các biện pháp trả đũa từ những quốc gia khác có thể làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát có thể biến động theo "cả hai chiều", phụ thuộc vào cách các hộ gia đình và doanh nghiệp phản ứng với những thay đổi của môi trường vĩ mô.
Khảo sát Tankan của Nhật Bản cho thấy sự thận trọng trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đạt mức cao nhất trong 33 năm
Khảo sát Tankan Q1 của Nhật Bản đã tiết lộ một bức tranh với triển vọng tương phản. Cụ thể, tâm lý lạc quan của nhóm các nhà sản xuất lớn giảm sút lần đầu tiên trong vòng một năm qua. Chỉ số này giảm từ 14 xuống 12, đúng như dự đoán, khi các nhà sản xuất thép và máy móc tỏ ra thận trọng hơn trước bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, chi phí đầu vào gia tăng và bất ổn xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ. Mặc dù vậy, triển vọng sản xuất chỉ giảm nhẹ xuống 12, tốt hơn so với dự đoán giảm mạnh xuống 9, cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì tâm lý lạc quan một cách thận trọng.
Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng. Chỉ số phi sản xuất của các doanh nghiệp lớn tăng từ 33 lên 35, mức cao nhất kể từ năm 1991. Song, triển vọng cho lĩnh vực này lại không thay đổi, giữ nguyên ở mức 28, thấp hơn một chút so với dự báo là 29. Ngoài ra, kế hoạch chi tiêu vốn cũng là một điểm sáng, với việc các công ty lớn dự kiến tăng chi tiêu 3.1% trong năm tài chính 2025, vượt kỳ vọng của thị trường là 2.9%.
PMI sản xuất của Nhật Bản chốt ở mức 48.4, nhu cầu trong nước và quốc tế đều yếu
Ngành sản xuất của Nhật Bản tiếp tục co lại vào tháng 3, với chỉ số PMI chính thức giảm từ 49.0 trong tháng 2 xuống 48.4, mức thấp nhất trong một năm. S&P Global cho biết, cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm mạnh hơn, phản ánh "nhu cầu suy yếu từ cả khách hàng trong nước và quốc tế". Tuy nhiên, việc làm lại là một điểm sáng hiếm hoi khi các công ty đẩy mạnh tuyển dụng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng.
Mặc dù vậy, niềm tin kinh doanh vẫn ở mức thấp và dưới mức trung bình lịch sử. Áp lực chi phí tiếp tục gia tăng, với mức tăng mạnh ở cả chi phí đầu vào và giá bán, cho thấy "áp lực lạm phát trong toàn ngành vẫn còn gay gắt".
PMI sản xuất Caixin của Trung Quốc tăng lên 51.2, việc làm và giá cả chưa theo kịp
Chỉ số PMI sản xuất Caixin của Trung Quốc đã tăng lên 51.2 trong tháng 3, từ mức 50.8 của tháng trước, đánh dấu mức cao nhất trong bốn tháng. Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group cho biết, kết quả khả quan này cho thấy một khởi đầu ổn định trong năm nay, báo hiệu những dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn ở lĩnh vực công nghiệp.
Dẫu vậy, vẫn còn những thách thức tiềm ẩn, điển hình như thị trường lao động "vẫn còn khá trì trệ". Bên cạnh đó, "áp lực giảm phát vẫn hiện hữu", do nhu cầu trong nước yếu và tâm lý thận trọng của các bên tham gia thị trường.
Chủ tịch Fed New York: Tác động của thuế quan lên lạm phát có thể kéo dài hàng năm trời
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York – John Williams, cảnh báo rằng tác động từ thuế quan mới của Mỹ lên lạm phát có thể "kéo dài hơn" so với dự đoán ban đầu. Ông Williams trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance đã nhấn mạnh rằng, mặc dù dự kiến giá cả sẽ tăng ngay lập tức, nhưng tác động thực sự của thuế quan lên nền kinh tế "có thể phải mất một khoảng thời gian dài, lên đến vài năm mới bộc lộ hết."
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi không chỉ những thay đổi trực tiếp về giá mà còn cả "những tác động gián tiếp" lan tỏa khắp nền kinh tế theo thời gian. "Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về vấn đề này", Williams nói, đồng thời cho biết Fed sẽ cần giữ thái độ cầu thị về "thời gian tác động của những yếu tố này đối với lạm phát và nền kinh tế."
Chủ tịch Fed Richmond: Thuế quan tạo ra rủi ro kép về lạm phát và việc làm
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond – Thomas Barkin, bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của các biện pháp thuế quan sắp tới do chính quyền Trump khởi xướng. Ông chia sẻ với CNBC rằng thuế quan có thể vừa kích thích lạm phát vừa gây áp lực lên thị trường lao động.
"Tôi lo lắng cho cả hai", Barkin nói, đồng thời cho biết hướng đi của chính sách tiền tệ trong tương lai vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu. Ông nhấn mạnh "có rất nhiều bất ổn ở thời điểm hiện tại, và tôi nghĩ rằng điều này củng cố cho quan điểm 'kiên nhẫn quan sát' diễn biến thực tế."
Action Forex