Action Forex: Cú sốc “Ngày Giải phóng” – Không chỉ là mức thuế mới, mà còn là sự phức tạp và quy mô rộng lớn của các biện pháp do Nhà Trắng ban hành

Action Forex: Cú sốc “Ngày Giải phóng” – Không chỉ là mức thuế mới, mà còn là sự phức tạp và quy mô rộng lớn của các biện pháp do Nhà Trắng ban hành

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

12:09 03/04/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Sơ lược diễn biến thị trường

Vốn được dự báo từ lâu, thông báo về thuế quan đối ứng đã gây ra phản ứng hết sức tiêu cực trên thị trường Mỹ. Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số NASDAQ sụt giảm hơn 3% tại thời điểm viết bài, trong khi HĐTL Dow Jones có thời điểm mất tới 2%. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mốc 4.1%, cho thấy dòng vốn đang đổ xô vào các kênh trú ẩn an toàn. Phản ứng này xác nhận nỗi lo lớn nhất của các nhà giao dịch: không chỉ là mức thuế mới, mà còn là sự phức tạp và quy mô rộng lớn của các biện pháp do Nhà Trắng ban hành.

Mặc dù vậy, phản ứng của thị trường toàn cầu lại không đồng nhất. Nikkei của Nhật Bản lao dốc hơn 1,000 điểm (gần 3%), phản ánh sự mong manh của nền kinh tế này trước mức thuế 24% áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu. Ngược lại, HSI của Hồng Kông giảm nhẹ hơn, chỉ 1.5%, trong khi Straits Times Index của Singapore thậm chí còn thu hẹp phần lớn mức giảm nhẹ ban đầu.

Về thị trường tiền tệ, AUDNZD dẫn đầu đà giảm, chịu ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại rủi ro lan rộng và việc Trung Quốc phải đối mặt với một số mức thuế khắc nghiệt nhất. USD cũng chịu áp lực do các nhà đầu tư rút vốn khỏi tài sản Mỹ. JPY trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất nhờ dòng vốn đổ vào các kênh trú ẩn an toàn truyền thống, theo sau là CHF. Mặt khác, EUR, GBPCAD cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn, nhờ vào việc EU, Anh và Canada hoặc được áp mức thuế tương đối nhẹ hơn, hoặc tạm thời được miễn trừ.

Nhà Trắng xác nhận mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả các quốc gia từ ngày 05/04, kèm theo mức thuế "đối ứng" lên tới 50% có hiệu lực từ ngày 09/04. Ngược với kỳ vọng ban đầu rằng mức thuế sẽ dao động trong khoảng 10-20%, giờ đây, những con số này dường như chỉ là điểm khởi đầu.

Mỹ tuyên bố mức thuế mới tương đương khoảng một nửa các rào cản thương mại thực tế mà hàng xuất khẩu của Mỹ đang gặp phải, bao gồm cả rào cản về tiền tệ và phi tiền tệ. Song trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc chi phí thương mại leo thang.

Nhiều đồng minh, bao gồm EU (20%) và Nhật Bản (24%), không được miễn trừ, mặc dù Canada và Mexico tạm thời được bỏ qua. Đáng lo ngại hơn, các mức thuế mới này được cộng dồn lên mức thuế hiện hành. Mức thuế thực tế đối với Trung Quốc đã lên tới con số đáng kinh ngạc 54%, bao gồm cả thuế mới và thuế cũ.

Danh sách miễn trừ khá hạn chế, chỉ bao gồm một số mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như đồng, dược phẩm, sản phẩm năng lượng, chất bán dẫn và khoáng sản không có sẵn trong nước.

Ở một diễn biến khác, giá vàng, như dự đoán, đã tiếp tục vượt đỉnh và thiết lập mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh bất ổn, nhưng cũng xuất hiện dấu hiệu đà tăng đang cạn kiệt. Dù được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng, giá vàng có thể vấp phải kháng cự mạnh ứng với ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% ($2,584 - $2,956 - $2,832) tại $3,204/oz, ít nhất là trong lần kiểm nghiệm đầu tiên. Ở chiều giảm, việc xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ $3,100/oz sẽ báo hiệu hình thành đỉnh ngắn hạn và có thể dẫn đến nhịp điều chỉnh.

Đồ thị giá vàng (XAU/USD) khung 4H

Một số tin tức đáng chú ý khác

PMI tổng hợp của Nhật Bản chốt ở mức 48.9, rơi trở lại vùng suy thoái

Ngành dịch vụ của Nhật Bản ghi nhận sự giảm tốc vào tháng 3, với chỉ số PMI dịch vụ (ước tính cuối cùng) giảm từ mức 53.7 trong tháng 2 xuống còn 50.0. Chỉ số PMI tổng hợp giảm xuống 48.9 – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022 – báo hiệu sự co hẹp trong hoạt động tổng thể của khu vực tư nhân.

Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – Annabel Fiddes nhận định rằng, mặc dù đơn đặt hàng mới và hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng, nhưng điều kiện thị trường đã rõ ràng suy yếu. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào trên toàn khu vực tư nhân tăng với tốc độ nhanh nhất trong bảy tháng, và lạm phát giá đầu ra vẫn ở mức cao kỷ lục. Chưa kể, tâm lý kinh doanh cũng xấu đi, với niềm lạc quan về triển vọng sản lượng trong năm tới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2021.

PMI dịch vụ Caixin của Trung Quốc tăng lên 51.9, nhưng giảm phát và việc làm vẫn là nỗi lo

Chỉ số PMI dịch vụ Caixin của Trung Quốc tăng từ mức 51.4 của tháng 2 lên 51.9 vào tháng 3, trong khi PMI tổng hợp tăng từ 51.5 lên 51.8, đánh dấu tháng mở rộng thứ 17 liên tiếp.

Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group cho biết, cả cung và cầu đều cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Song, việc làm trong ngành dịch vụ đã kìm hãm tăng trưởng việc làm chung, và động lực tăng giá vẫn yếu. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi và khởi đầu năm ổn định, áp lực giảm phát dai dẳng cùng với thị trường việc làm ảm đạm tiếp tục bủa vây tâm lý chung. Wang Zhe cho rằng nhu cầu trong nước yếu và kỳ vọng thận trọng của thị trường đang hạn chế đà tăng trưởng.

Dữ liệu sắp tới có gì?

Biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là điểm nhấn chính trong phiên Âu. Eurozone sẽ công bố PPI và ước tính cuối cùng cho PMI dịch vụ. Ngoài ra, Anh cũng sẽ công bố PMI dịch vụ cuối cùng, bên cạnh dữ liệu CPI của Thụy Sĩ. Cuối ngày, PMI dịch vụ ISM của Mỹ sẽ là trọng tâm, cùng với dữ liệu cán cân thương mại và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Cán cân thương mại của Canada cũng sẽ được công bố.

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Xu hướng trong ngày của USD/JPY đang nghiêng về chiều giảm, với việc xuyên thủng mốc 148.69 và dự kiến sẽ sớm kiểm tra lại đáy của nhịp hồi tại 146.52. Đà giảm từ 158.86 sẽ tiếp diễn nếu đáy này bị phá vỡ một cách dứt khoát. Nếu điều này xảy ra, mục tiêu tiềm năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8% (158.86 - 146.52 - 151.20) tại 143.57. Mặt khác, nếu có thể lấy lại hỗ trợ 148.69, xu hướng trong ngày sẽ trở lại trạng thái trung tính. Dù vậy, triển vọng sẽ vẫn tiêu cực chừng nào cặp tiền này còn giao dịch dưới vùng kháng cự 151.20/29.

Đồ thị USD/JPY khung 4H

Xét trên bình diện rộng hơn, xu hướng giảm từ 161.94 có thể xem là một mô hình điều chỉnh trong xu hướng tăng với điểm xuất phát là đáy năm 2021 tại 102.58, và nhịp giảm từ 158.86 là sóng thứ ba. Vùng hỗ trợ mạnh được dự đoán sẽ hình thành quanh ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26. Vì vậy, nếu phe mua thất thủ tại vùng này, khả năng giảm sâu hơn trong trung hạn sẽ mở ra, hướng về ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% tại 125.25.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ