Phố Wall khép phiên với diễn biến trái chiều, trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá tác động từ tiến triển trong đàm phán thương mại song phương Mỹ – Nhật, đồng thời điều chỉnh kỳ vọng liên quan đến chính sách lãi suất của Fed. Cổ phiếu của Eli Lilly bứt phá 14% sau khi công ty công bố kết quả thử nghiệm tích cực đối với thuốc điều trị tiểu đường mới, được đánh giá có hiệu quả tương đương Ozempic trong việc kiểm soát cân nặng và đường huyết. Trong khi đó, Apple tăng 1.4%, phục hồi nhẹ từ vùng điều chỉnh. Ngược lại, cổ phiếu của UnitedHealth lao dốc 22% sau khi hãng bảo hiểm y tế này cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm do kỳ vọng chi phí y tế gia tăng trong các quý tới. Kết phiên, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0.13% lên 5,282.70 điểm, trong khi Nasdaq mất 0.13% còn 16,286.45 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm mạnh 1.33% xuống 39,142.23 điểm, chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe. Khối lượng giao dịch toàn thị trường suy yếu, chỉ đạt 14.6 tỷ cổ phiếu – thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất (19.2 tỷ cổ phiếu), do tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ Good Friday kéo dài ba ngày.
Trên thị trường lao động, dữ liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ, cho thấy điều kiện việc làm vẫn ổn định trong tháng 4. Tuy nhiên, sự không chắc chắn liên quan đến thuế quan khiến doanh nghiệp dè dặt trong việc mở rộng tuyển dụng. Về chính sách tiền tệ, áp lực chính trị gia tăng khi Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell, thậm chí kêu gọi sa thải Powell trên mạng xã hội. Diễn biến này làm gia tăng lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh Fed đang theo đuổi lập trường “chờ đợi và quan sát” trước các biến động kinh tế từ chiến tranh thương mại. Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 5 hiện chỉ còn khoảng 6%, trong khi khảo sát của Reuters cho thấy khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới đang gia tăng.
ECB là tâm điểm đầu tiên trong phiên Mỹ tối qua, với tuyên bố chính sách nêu rõ rủi ro suy giảm kinh tế và nhấn mạnh điều kiện tài chính đã bị siết chặt. Chủ tịch ECB Christine Lagarde sau đó tái khẳng định những lo ngại này, mở ra khả năng nới lỏng chính sách hơn nữa, dù ECB đã loại bỏ đề cập đến lập trường "hạn chế" trong tuyên bố. Thông tin rò rỉ sau họp thậm chí cho biết một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đang được xem xét, với thị trường hiện định giá 75% xác suất giảm lãi suất trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, đà giảm của euro chỉ kéo dài vài phút. EUR/USD giảm nhanh xuống 1.1335 sau thông báo, nhưng chỉ mất 25 pip rồi hồi phục nhanh chóng khi đồng USD bị bán tháo trên diện rộng.
Chỉ số Philly Fed lao dốc, đặc biệt là thành phần đơn hàng mới chạm mức khủng hoảng, làm dấy lên lo ngại từ ngành vận tải rằng đơn hàng vận chuyển đang sụp đổ. Tin đồn về khả năng Tổng thống Trump thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục tạo sóng, thu hút sự chú ý và kích hoạt lực mua ở kỳ hạn ngắn của đường cong lợi suất trái phiếu – dù thị trường vẫn thận trọng trước độ tin cậy của kịch bản này. Các yếu tố này đã gây áp lực mạnh lên USD, khiến DXY lao dốc mạnh xuống mức đáy 99.271.
Thanh khoản giảm trong phiên sáng nay do thị trường Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Phục Sinh vào thứ Sáu, ngày 18 tháng 4 và xu hướng giao dịch chậm cũng đang lan sang phiên châu Á - Thái Bình Dương.
Với việc thị trường đóng cửa vào thứ Sáu nhân dịp cuối tuần lễ Phục sinh, các nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời vào thứ Năm sau khi giá vàng chạm ngưỡng kỷ lục mới trên 3,350 USD/ounce. Giá vàng giảm $15, xuống còn $3,327/oz. Dầu WTI tăng $1.98 lên $64.45/thùng. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 5.4 điểm cơ bản lên 4.33%
