Phố Wall tiếp tục lao dốc vào thứ Hai sau một phiên giao dịch đầy biến động, do nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế chậm lại và lạm phát tăng cao, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết giữ lập trường về việc áp thuế, đồng thời cảnh báo có thể tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones mất 349.26 điểm (tương đương 0.91%) còn 37,965.60 điểm; S&P 500 giảm 0.23% xuống 5,062.25 điểm. Trong khi đó, Nasdaq tăng nhẹ 0.10% lên 15,603.26 điểm nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong phiên sáng, các chỉ số chính rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Có thời điểm, thị trường bật tăng hơn 3% sau khi xuất hiện tin đồn về khả năng trì hoãn áp thuế trong 90 ngày. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhanh chóng bác bỏ thông tin này, khiến đà tăng bị xóa bỏ.
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất với mức mất 2.4%. Ngược lại, dịch vụ truyền thông tăng 1% và công nghệ tăng 0.3% là hai nhóm duy nhất ghi nhận sắc xanh. Apple và Tesla lần lượt giảm 3.7% và 2.6%, là những mã kéo S&P 500 đi xuống nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, Nvidia (+3%) và Amazon (+2.5%) là những điểm sáng hiếm hoi trong phiên.
Dù chỉ số S&P 500 có phục hồi nhẹ vào cuối phiên, tâm lý thị trường vẫn bất ổn, khiến nhà đầu tư đặt cược rằng Fed có thể phải cắt giảm lãi suất ngay trong tháng Năm. Điều này làm giảm lợi thế cho đồng USD. USD/CHF giảm khi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt loạt thuế quan mạnh tay lên các đối tác thương mại. USD/CHF giảm 0.44% xuống còn 0.85720. Đồng thời, USD đảo chiều tăng giá so với yen Nhật sau khi ban đầu giảm hơn 1.4%. Đến cuối phiên, USD/JPY tăng 0.53% lên 147.660. EU cũng đã đề xuất áp thuế đáp trả 25% lên một loạt hàng hóa Mỹ nhằm phản ứng lại các mức thuế mà Trump áp dụng với thép và nhôm. EUR/USD dù có lúc tăng tới 0.7% lên 1.1050, đã quay đầu giảm 0.35% xuống còn 1.092800. GBP/USD cũng giảm mạnh 1.3% và chạm mức thấp nhất trong một tháng tại 1.27125. Đồng đô la Canada tăng nhẹ vào thứ Hai, phục hồi một phần mức giảm trước đó, trong bối cảnh Phố Wall biến động mạnh và sau khi Canada tránh được việc bị áp thuế mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu đang lan rộng vào tuần trước. Cụ thể, USD/CAD giảm 0.1%, giao dịch ở mức 1.42, sau khi dao động trong biên độ từ 1.4180 đến 1.4296 trong phiên.
Giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm qua. Hợp đồng dầu Brent giảm $1.37, tương đương 2.1%, xuống còn $64.21 mỗi thùng, trong khi hợp đồng dầu thô Mỹ West Texas Intermediate giảm $1.29, tương đương 2.1%, xuống còn $60.70. Giá vàng cũng giảm. Giá vàng giao ngay giảm 2.4% xuống còn $2,963.19 mỗi ounce.
Bitcoin giảm tới 5,5%, chạm mức thấp nhất trong năm 2025. Đợt bán tháo lần này có thể khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng của bitcoin trong việc giữ giá trị khi thị trường bất ổn. Trước đây, những người ủng hộ bitcoin thường cho rằng đồng tiền số này có thể giúp bảo vệ tài sản trước biến động kinh tế và tỷ giá. Theo Trevor Koverko, một doanh nhân trong lĩnh vực tiền số, thực tế cho thấy tiền số vẫn hành xử giống như các tài sản rủi ro khác. Ông cho rằng: “Nếu muốn trở thành một công cụ thật sự hữu ích, tiền số cần phải tách khỏi xu hướng biến động chung của thị trường.”
Lợi suất trái phiếu tăng vọt, nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed cắt lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 15.8 điểm cơ bản lên 4.149% – mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2024. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng 6,2 điểm lên 3.732%. Thị trường hiện định giá 5 lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay.
