Sản lượng dầu của Mỹ đạt đỉnh đối mặt nguy cơ suy giảm khi giá lao dốc

Huyền Trần
Junior Analyst
Hai nhà sản xuất dầu đá phiến lớn của Mỹ là Diamondback và Coterra thông báo cắt giảm đầu tư, cảnh báo sản lượng nội địa đã đạt đỉnh. Giá dầu giảm mạnh dưới 60 USD/thùng đang đẩy nhiều nhà sản xuất Mỹ vào thế bất lợi, trong khi OPEC+ có cơ hội giành lại thị phần.

Hai trong số các nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ thông báo sẽ cắt giảm chi tiêu đầu tư, phản ứng trước đà lao dốc của giá dầu – động thái làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng dầu của Mỹ đã đạt đỉnh và có thể bắt đầu suy giảm.
Diamondback Energy, một trong những nhà sản xuất chủ chốt tại lưu vực Permian ở miền tây Texas – mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ – cho biết số lượng các đội fracking (khoan và khai thác bằng thủy lực) đã giảm khoảng 15% từ đầu năm đến nay và sẽ tiếp tục giảm nếu giá dầu không sớm phục hồi.
Công ty này thông báo sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư năm 2025 khoảng 400 triệu USD, xuống còn từ 3.8 đến 4.2 tỷ USD, đồng thời loại bỏ ba giàn khoan. Diamondback dự báo tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ sẽ giảm 10% vào cuối quý II và tiếp tục giảm trong quý III.
“Tốc độ giảm hoạt động như hiện tại cho thấy sản lượng dầu trên đất liền của Mỹ nhiều khả năng đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu suy giảm ngay trong quý này,” Giám đốc điều hành Travis Stice nhận định.
Coterra Energy – một công ty năng lượng có trụ sở tại Houston – cũng thông báo giảm chi đầu tư năm 2025 xuống còn 2 đến 2.3 tỷ USD, thấp hơn mức kế hoạch trước đó là 2.1 đến 2.4 tỷ USD. Ngoài ra, công ty sẽ cắt giảm số giàn khoan tại lưu vực Permian từ 10 xuống còn 7 trong nửa cuối năm.
Giá dầu tiếp tục giảm hơn 1 USD mỗi thùng trong phiên thứ Hai, đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm, sau khi OPEC+ tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sản lượng tháng thứ hai liên tiếp. Dầu Brent – chuẩn mực toàn cầu – chốt phiên ở mức 60.23 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ giảm xuống còn 57.13 USD/thùng.
Động thái tăng sản lượng từ OPEC+ kết hợp với lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ đối với tăng trưởng toàn cầu đã khiến giá dầu Brent giảm gần 20% trong tháng Tư – mức sụt giảm mạnh nhất trong gần ba năm rưỡi.
Với mức giá dưới 60 USD/thùng, nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ – đặc biệt ở các lưu vực đã khai thác lâu năm – sẽ khó duy trì lợi nhuận, buộc họ phải ngừng khoan, dừng hoạt động giàn khoan và cắt giảm nhân sự. Các chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể mất thị phần vào tay các quốc gia OPEC+ vốn có chi phí sản xuất thấp hơn.
“Nếu định hướng cắt giảm đầu tư từ hai ông lớn ngành đá phiến tiếp tục được xác nhận trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới, sản lượng dầu đá phiến Mỹ có thể sẽ giảm trong suốt phần còn lại của năm và kéo dài sang năm 2026 – tạo cơ hội để OPEC+ giành lại thị phần,” Andrew Gillick, giám đốc tại hãng nghiên cứu năng lượng Enverus, nhận định.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump – người từng tranh cử với cam kết thúc đẩy sự độc lập năng lượng của Mỹ – lại hoan nghênh đà giảm giá dầu, cho rằng điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát.
Ông Trump thậm chí còn cho rằng giá dầu sụt giảm sẽ tạo cơ hội chấm dứt chiến tranh tại Ukraine bằng cách gây sức ép kinh tế buộc Nga – quốc gia phụ thuộc nặng vào xuất khẩu dầu – phải đàm phán hòa bình.
“Với giá dầu hiện nay, tôi nghĩ chúng ta đang có lợi thế để giải quyết,” ông phát biểu tại Phòng Bầu Dục hôm thứ Hai. “Nga muốn kết thúc. Ukraine cũng muốn kết thúc. Nếu tôi không phải là tổng thống, sẽ chẳng ai kết thúc được cuộc chiến này.”
Financial Times