Cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát "hụt" trong cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania

Cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát "hụt" trong cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

10:28 14/07/2024

Cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn trúng tai phải trong một vụ nổ súng kinh hoàng tại cuộc vận động ở Pennsylvania vào thứ Bảy. Sự kiện này đã làm rung chuyển chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và bị lên án bởi cả hai đảng về bạo lực chính trị.

Ngoài ông Trump, một người tham dự cuộc vận động đã thiệt mạng, trong khi hai người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Kẻ tấn công đã bắn từ một vị trí cao và cũng đã bị Mật vụ Mỹ tiêu diệt.

Phía ông Trump cho biết ông vẫn ổn và không thay đổi dự định tham dự đại hội đề cử của đảng vào tuần tới tại Milwaukee. Theo một nguồn tin thân cận, cơ quan thực thi pháp luật liên bang đang điều tra sự việc này như một âm mưu ám sát chấn động.

Trên mạng xã hội, ông Trump gửi lời chia buồn đến gia đình người tham dự đã thiệt mạng và cảm ơn lực lượng thực thi pháp luật. Ông mô tả: "Tôi bị bắn trúng phần trên tai phải. Tôi ngay lập tức nhận ra có điều gì đó không ổn khi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng, và cảm nhận viên đạn xuyên qua da. Có nhiều máu chảy ra, lúc đó tôi mới nhận ra rằng chuyện gì đang xảy ra."

Cảnh tượng hỗn loạn và đẫm máu này đã diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Sự việc diễn ra đã gây chấn động mạnh mẽ trên khắp bối cảnh chính trị Mỹ vốn đã phân hóa và căng thẳng trong những năm gần đây.

Ngay sau vụ nổ súng, những người ủng hộ Trump đã cổ vũ hình ảnh cựu tổng thống dính máu - người đã giơ nắm đấm thách thức khi được đưa khỏi sân khấu. Ông Trump được xuất viện vào tối thứ Bảy sau khi được kiểm tra.

Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu ngắn từ Delaware, lên án vụ nổ súng là điên rồ. Ông nói: "Chúng ta không thể như thế này, chúng ta không thể dung túng cho điều này. Tất cả mọi người phải lên án nó."

Tổng thống Biden đã nói chuyện với ông Trump sau sự cố và cắt ngắn kỳ nghỉ cuối tuần của mình ở Rehoboth Beach để trở về Nhà Trắng. Chiến dịch tranh cử của ông đang nỗ lực gỡ bỏ các quảng cáo truyền hình càng sớm càng tốt.

Khi được hỏi liệu vụ nổ súng có phải là một âm mưu ám sát hay không, Tổng thống Biden cho biết ông có quan điểm như vậy nhưng không có đủ thông tin để đánh giá. Ông dự kiến sẽ nhận được bản cập nhật từ các quan chức an ninh nội địa và thực thi pháp luật vào sáng Chủ nhật ở Washington. Ông cũng đã nói chuyện trực tiếp với Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro và Bob Dandoy - thị trưởng quận Butler, Pennsylvania - nơi diễn ra cuộc vận động.

Mật vụ Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng Trump đã an toàn và họ đã thực hiện các biện pháp bảo vệ. FBI đang dẫn đầu cuộc điều tra về sự cố này. Cảnh sát tiểu bang Pennsylvania đang hỗ trợ công việc này cùng với Mật vụ.

Bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp cũng đang làm việc với các nhà điều tra, theo Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland.

Ông Richard Goldinger - Công tố viên quận Butler - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng kẻ xả súng ở bên ngoài địa điểm vận động.

Sự cố xảy ra ngay sau 6 giờ chiều theo giờ New York (tức 5 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam), chỉ vài phút sau khi Trump bắt đầu phát biểu trên sân khấu.

Khi tiếng súng vang lên, ông Trump nắm lấy tai và cúi xuống. Các đặc vụ dùng cơ thể để che chắn cho Trump khi tiếng đạn tiếp tục nổ vang. Những người tham dự cuộc vận động lao nhanh xuống đất, tìm chỗ ẩn nấp.

Một đặc vụ ra hiệu cho ông Trump rằng họ đã sẵn sàng di chuyển ông nhưng cựu tổng thống đáp lại rằng ông muốn lấy lại giày của mình.

"Để tôi lấy giày. Để tôi lấy giày," ông Trump nói.

Sau đó, một đặc vụ cho ông biết đầu ông đang chảy máu. Khi đứng dậy, ông Trump bắt đầu hô to và liên tục giơ nắm đấm. Khán giả hò reo tán thưởng - hô vang "USA! USA!" - khi ông được đưa khỏi sân khấu, với một đặc vụ mang theo chiếc mũ đỏ đặc trưng của ông. Ông nhanh chóng được đưa lên xe SUV và đưa đi kiểm tra y tế.

Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đều kêu gọi điều tra vụ nổ súng và bất kỳ sơ suất nào trong an ninh.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer, một đảng viên Cộng hòa Kentucky, cho biết ông đã liên hệ với Mật vụ để yêu cầu một cuộc họp báo và sẽ kêu gọi giám đốc cơ quan này ra điều trần.

Ông Ritchie Torres, một đảng viên Dân chủ New York, đã đăng trên X rằng "Những thất bại về an ninh xung quanh vụ ám sát hụt một ứng cử viên tổng thống đòi hỏi phải có một cuộc điều tra".

Sid Miller, Ủy viên Nông nghiệp bang Texas, cho biết ông đang ở cách tổng thống khoảng 30 feet khi vụ nổ súng bắt đầu. Ban đầu ông nghĩ một quả bóng đã nổ trước khi nhận ra đó là tiếng súng.

"Tôi quay lại nhìn tổng thống, và ông ấy dường như cũng đang bối rối giống như tôi vậy," ông Miller nói trong một cuộc phỏng vấn.

David McCormick, cựu Giám đốc điều hành Bridgewater Associates nay là ứng cử viên Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, cũng có mặt tại cuộc vận động. Ông McCormick cho biết ông nghe thấy một loạt 7 hoặc 8 phát súng và khẳng định rằng một người phía sau ông trong đám đông đã bị trúng đạn.

"Những người xung quanh người đàn ông này cố gắng sơ cứu, và anh ta rõ ràng đã bị thương rất nặng. Đã có rất nhiều máu." ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Ông Trump đang có chuyến thăm Pennsylvania - một bang chiến địa trong cuộc vận động cuối cùng trước đại hội đảng và trước khi ông đang chuẩn bị công bố lựa chọn Phó tổng thống của mình.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực từ hôm nay

Mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực từ hôm nay

Mức thuế cơ bản 10% của Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới đã chính thức có hiệu lực vào thứ Bảy, khi ông tiếp tục triển khai chiến lược khuyến khích đầu tư trong nước bằng cách tạo động lực cho các công ty muốn tránh thuế nhập khẩu.
Châu Á lao đao trước chính sách thuế quan Mỹ: Ngân hàng Trung ương các nước tăng cường hạ lãi suất để cứu lấy nền kinh tế
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

Châu Á lao đao trước chính sách thuế quan Mỹ: Ngân hàng Trung ương các nước tăng cường hạ lãi suất để cứu lấy nền kinh tế

Châu Á đang gánh chịu phần lớn tác động từ đợt áp thuế mới của Mỹ, điều này được dự báo sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế khu vực thông qua việc làm suy yếu hoạt động đầu tư kinh doanh và niềm tin thị trường – từ đó tạo áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh cắt giảm lãi suất.
Đòn thuế quan của Trump làm rung chuyển thị trường: Chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu tăng mạnh
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

Đòn thuế quan của Trump làm rung chuyển thị trường: Chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu tăng mạnh

Chiến dịch áp thuế mà Donald Trump coi là chìa khóa cho sự thịnh vượng dài hạn của nước Mỹ đã ngay lập tức khuấy đảo thị trường tài chính tối thứ Tư, đẩy chứng khoán lao dốc, sau chuỗi ngày tăng điểm nhờ hy vọng chính sách này sẽ 'mềm mỏng' hơn.
Ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng không chừa một quốc gia nào, khu vực Châu Á và Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

Ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng không chừa một quốc gia nào, khu vực Châu Á và Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề

Tổng thống Donald Trump vừa 'tung đòn' phản bác vào hệ thống thương mại toàn cầu mà ông từ lâu cho là bất công—một loạt thuế quan đánh thẳng vào các đối tác thương mại của Mỹ trên khắp thế giới, đẩy châu Á và châu Âu vào thế khó hơn bao giờ hết.
RBA tăng lãi suất OMO nhằm nâng cao thanh khoản hệ thống
Mai Khánh Linh

Mai Khánh Linh

Junior Editor

RBA tăng lãi suất OMO nhằm nâng cao thanh khoản hệ thống

Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) sẽ tăng lãi suất các hoạt động trên thị trường mở và bổ sung lượng hợp đồng repo kỳ hạn 7 ngày trong các phiên đấu giá hàng tuần. Đây là một phần trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống “dự trữ dồi dào” nhằm quản lý thanh khoản hiệu quả hơn, một quan chức cấp cao cho biết hôm thứ Tư.
Trung Quốc đối mặt với làn sóng tranh chấp thương mại vì xuất khẩu dư thừa
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Trung Quốc đối mặt với làn sóng tranh chấp thương mại vì xuất khẩu dư thừa

Trung Quốc đang đối mặt với số lượng tranh chấp thương mại kỷ lục tại WTO khi xuất khẩu dư thừa tràn ngập thị trường toàn cầu, gây phản ứng mạnh từ các đối tác thương mại. Với thặng dư thương mại gần 1 nghìn tỷ USD trong năm 2024, Bắc Kinh tiếp tục dựa vào xuất khẩu để bù đắp nhu cầu trong nước suy yếu. Tuy nhiên, chính sách này không chỉ làm gia tăng áp lực thuế quan từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump mà còn khiến nhiều nước, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi, đẩy mạnh điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ